Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Hành trình phạm tội của hacker Trương Quý Pháp

“Trên thang điểm từ 1 đến 10, mức độ nguy hiểm của nó là 11” - chuyên gia bảo mật Bruce Schneier đã dành những từ ngữ ngắn gọn như vậy để nói về sự nghiêm trọng của lỗ hổng bảo mật nằm trong phần mềm mã nguồn mở Open SSL. Cảnh báo ấy có cơ sở khi một thanh niên có trình độ văn hóa mới lớp 11 ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã phát hiện lỗ hổng bảo mật trên để đột nhập lấy dữ liệu với mục đích chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người.


Chiếm đoạt hàng nghìn tài khoản
Theo kết quả điều tra ban đầu của CQĐT CATP Tam Kỳ, ngày 8-4-2014, Trương Quý Pháp (1993, trú đường Huỳnh Thúc Kháng, P. An Xuân, TP Tam Kỳ) vào các diễn đàn chuyên về bảo mật trên mạng Internet và phát hiện có thông báo về lỗ hổng bảo mật đối với phần mềm Open SSL. Đây là phần mềm chuyên được các trang mạng thanh toán điện tử, ngân hàng sử dụng để mã hóa dữ liệu thông tin giao dịch khách hàng. Sau khi phát hiện lỗ hổng trên, ngày 9-4-2014, tại nhà mình, Pháp sử dụng máy tính cá nhân đã được kết nối Internet dùng trình duyệt Google Chrome vào trang website http://www.exploit-db.com tải chương trình 32745test.py về máy tính của mình. Sau đó Pháp dùng ngôn ngữ lập trình AutoIt viết chương trình Onepay.au3 và 52 chương trình khác. Viết chương trình xong, Pháp thực thi lệnh chạy chương trình tấn công vào cơ sở dữ liệu trang web https://Onepay.vn và 52 web thương mại điện tử khác.
CQĐT CATP Tam Kỳ thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở của Trương Quý Pháp.
Trương Quý Pháp cho chương trình này chạy từ 23 giờ ngày 9-4 đến 8 giờ ngày 10-4 thì thực hiện lệnh dừng. Khi hai chương trình trên ngừng chạy thì kết quả tạo ra file Onepay.vn.txt cùng 52 file khác chứa nội dung là các thông tin về việc khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tiếp thông qua trang web Onepay.vn và 52 trang web thương mại điện tử khác. Tiếp đến, Pháp dùng ngôn ngữ lập trình AutoIt viết chương trình hbfilter.au3 nhằm mục đích chỉ lọc lấy thông tin về họ tên, số thẻ tín dụng, hạn sử dụng, mã bảo mật. Sau khi chạy chương trình hbfilter.au3, Pháp tạo ra các file khác như: cc.txt, cc test.txt, cc new.txt… là các file văn bản chứa thông tin về họ tên, số thẻ tín dụng, hạn sử dụng, mã bảo mật của 30.036 tài khoản cá nhân của người nước ngoài (đa số quốc tịch Australia).
Ngày 11-4-2014, Pháp thực hiện cho chạy đoạn mã: https://www.scriptfly.com... Sau khi đoạn mã trên chạy, kết quả tạo ra file scriptfly.com-127… chứa thông tin về họ tên, số thẻ tín dụng, hạn sử dụng, mã bảo mật của 3.454 tài khoản cá nhân người nước ngoài.


Với những thông tin về tài khoản lấy được, Pháp đã gửi 31 tài khoản cho bạn mình là Vũ Minh Quý (1993, cùng trú P. An Xuân) để Quý sử dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và chia tiền lại cho Pháp. Ngoài chuyển thông tin tài khoản cho Quý, Pháp còn trực tiếp nhiều lần sử dụng thông tin tài khoản đánh cắp được từ 2 trang https://Onepay.vn và https://www.scriptfly.com để thanh toán hoặc đặt mua phần mềm qua mạng, sau đó bán lại phần mềm này cho khách hàng là người nước ngoài, hoặc thông qua chương trình chát ICQ.
Trương Quý Pháp                                    ---                                Vũ Minh Quý
Qua kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 10-4-2014 đến khi bị bắt, Pháp đã bán 2.036 thông tin về thẻ tín dụng cho hơn 10 người với giá trung bình từ 0,5 - 1,5USD/tài khoản. Việc thực hiện thanh toán tiền cho Pháp thông qua trang thương mại điện tử WebMoney mà Pháp đã đăng ký tài khoản ở đó. Đơn vị tiền tệ trong WebMoney là WMZ, sau khi thu được WMZ thông qua việc mua bán phần mềm hay bán thông tin tài khoản tín dụng, Pháp bán WMZ và thu tiền về tài khoản Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Á Châu của mình đã mở.


Ngày 10-7, CQĐT CATP Tam Kỳ đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với Trương Quý Pháp về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo CQĐT, bước đầu, qua thực hiện sao kê 2 tài khoản (Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Á Châu) trong 5 tài khoản của Pháp, xác định số tiền chuyển vào tài khoản và được Pháp rút ra là 700 triệu đồng. Với số tiền chiếm đoạt được, Pháp dùng mua xe máy, sắm các thiết bị máy tính đắt tiền và tiêu xài.
Phiếu chi tiền mà Trương Quý Pháp rút ở các ngân hàng từ việc chiếm đoạt tài khoản.
Đôi bạn cùng… lùi
Mở rộng điều tra, CQĐT cũng đã khởi tố bị can đối với Vũ Minh Quý về hành vi giúp sức cho Trương Quý Pháp chiếm đoạt tài sản. Được biết, Quý hiện đang bị CATP Tam Kỳ tạm giam vì có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Trước đó, ngày 18-3-2015, trên đường tránh Nguyễn Hoàng (thuộc P. An Xuân, TP Tam Kỳ), Đội CSĐTTPVMT CATP Tam Kỳ bắt giữ Vũ Minh Quý khi y vừa xuống xe khách tuyến Hà Nội - Tam Kỳ. Khám xét tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ 20g ma túy (dạng đá). Qua đấu tranh, Quý khai mua số ma túy trên tại Hà Nội với giá 18 triệu đồng đem về bán cho các con nghiện trên địa bàn TP Tam Kỳ.


Được biết, Pháp học đến lớp 11 thì nghỉ, còn Quý mới học đến lớp 8. Năm Pháp học lớp 10 từng bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ CA) phát hiện, xử lý về hành vi tấn công làm sập trang web của Bkav. Còn Quý cũng từng bị xử lý vì tấn công làm sập trang web của Liên đoàn Bóng đá Malaysia vì đội bóng đá nước này thắng đội tuyển Việt Nam.
“Việc CATP Tam Kỳ triệt phá được đường dây của các đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản là thành tích rất đáng ngợi khen. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi các đối tượng sử dụng công nghệ cao phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Điều đó đã thể hiện tinh thần cương quyết đấu tranh với các loại tội phạm của CA tỉnh Quảng Nam nói chung và CATP Tam Kỳ nói riêng…”, Đại tá Huỳnh Sông Thu - Phó Giám đốc CA tỉnh nhấn mạnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét